Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại
Giải quyết tranh chấp thương mại tại Trọng tài là một trong những hình thức giải quyết tranh thương mại được quy định tại Luật Thương mại 2005. Vậy trình tự, thủ tục giải quyết tại Trọng tài thương mại được thực hiện như thế nào? Dưới đây là bài viết của Công ty luật Vietlink sẽ làm rõ những vấn đề trên để khách hàng có thể tham khảo và áp dụng.
Trọng tài thương mại là gì?
Trọng tài thương mại theo khoản 1 Điều 3 Luật trọng tài thương mại 2010 được định nghĩa là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận. Việc tiến hành giải quyết tranh chấp phải tuân thủ theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010. Các tranh chấp ở đây là tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó có ít nhất một bên có hoạt động thương mại hoặc tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tàiI
Phương thức giải quyết bằng trọng tài đơn giản, linh hoạt theo thỏa thuận của các bên giúp cho quá trình giải quyết tranh chấp nhanh chóng. Trung tâm trọng tài thường tổ chức theo cơ cấu bao gồm ban điều hành, ban thư ký và các trọng tài viên của trung tâm. Bộ máy của trung tâm trung tài đơn giản, gọn nhẹ. Ban điều hành của trung tâm trọng tài gồm có chủ tịch, một hoặc các phó chủ tịch và có thể có tổng thư ký do chủ tịch trung tâm trọng tài cử. Chủ tịch trung tâm trọng tài là trọng tài viên. Trung tâm trọng tài có danh sách trọng tài viên. Các trọng tài viên tham gia vào việc giải quyết tranh chấp khi được chọn hoặc chỉ định.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 thì tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thỏa thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Khi đã xác định giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thì các bên cần lưu ý trong quá trình xác lập thỏa thuận tránh các trường hợp dẫn đến thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu. Cụ thể, thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài thương mại;
- Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
- Người xác lập Thoả thuận Trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
- Hình thức của Thoả thuận Trọng tài không phù hợp với quy định của Luật trọng tài thương mại (phải bằng văn bản, có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản Trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng);
- Một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập Thoả thuận Trọng tài và có yêu cầu tuyên bố Thoả thuận Trọng tài đó là vô hiệu;
- Thỏa thuận Trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật.
Các hình thức trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc và trọng tài thường trực.
Thứ nhất, trọng tài vụ việc:
Đây là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ không còn tồn tại khi vụ việc đã được giải quyết xong. Đặc trưng cơ bản của trọng tài vụ việc bao gồm:
Được thành lập khi các tranh chấp phát sinh và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên có tranh chấp chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ một trung tâm trọng tài nào.
Quy tắc tố tụng để giải quyết tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài khác.
Thứ hai, trọng tài thường trực
Đây là hình thức trọng tài được tổ chức khá chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách các trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Đa số các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài,… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.
Nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài
Trọng tài viên phải tôn trọng thoả thuận của các bên nếu thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm và trái đạo đức xã hội.
Trọng tài viên phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân theo quy định của pháp luật.
Các bên tranh chấp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ. Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để họ thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình
Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Phán quyết trọng tài là chung thẩm
Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục theo số điện thoại. 024.3769.0339, Hotline: 0914.929.086, Email: Hanoi@vietlinklaw.com hoặc hiên hệ tới Công ty Luật Vietlink theo địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.