LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Hợp đồng trao đổi tài sản

2021-09-08 05:42:15
1456 lượt xem

Hợp đồng trao đổi tài sản

Hợp đồng trao đổi tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó các bên giao tài sản và chuyển quyền sở hữu đối với tài sản cho nhau.

Đối tượng của hợp đồng trao đổi rất đa dạng, phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên, đối tượng có thể là vật cùng loại, vật không cùng loại.  Trong thực tế, đối tượng của hợp đồng trao đổi tài sản thường là vật cùng loại, có thể là động sản hoặc bất động sản

Đặc điểm hợp đồng trao đổi tài sản

- Là hợp đồng có đền bù.

- Luôn là hợp đồng song vụ.

- Có thể là hợp đồng ưng thuận, có thể là hợp đồng thực tế.

- Hình thức hợp đồng trao đổi tài sản

Hình thức của hợp đồng trao đổi phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên hoặc do pháp luật quy định. Hợp đồng trao đổi có thể được giao kết bằng hành vi, lời nói hoặc văn bản.

 Trong trường hợp luật quy định hợp đồng trao đổi tài sản phải được lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực hoặc đăng ký thì phải tuân thủ theo đúng hình thức đó. Hợp đồng trao đổi tài sản lập thành văn bản cần phải có công chứng hoặc chứng thực của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nếu tài sản trao đổi là tài sản có đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng nhất thiết phải có chứng nhận, chứng thực hoặc phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trao đổi tài sản

Quyền của các bên trong hợp đồng trao đổi tài sản

- Quyền sở hữu của các bên sẽ được phát sinh đối với tài sản (nếu đối tượng của hợp đồng này là bất động sản, hay tài sản phải đăng ký quyền sở hữu) kể từ thời điểm đăng ký quyền sở hữu đối với tài sản ở tại Cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Thời điểm được xác lập quyền sở hữu chính là thời điểm chấm dứt hợp đồng.

- Khi có sự tranh chấp xảy ra trong loại hợp đồng này thì ngoài việc áp dụng các quy định của hợp đồng trao đổi thì còn có thể áp dụng thêm quy định về hợp đồng mua bán tài sản.

Nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng trao đổi tài sản:

- Các bên cùng có nghĩa vụ đảm bảo được chất lượng tài sản của mình phải đúng như thỏa thuận trước đó, bên cạnh đó cũng phải đảm bảo được quyền sở hữu về tài sản của mình cho bên kia.

- Trong trường hợp tài sản được trao đổi cho nhau có sự chênh lệch về giá trị thì phải thực hiện thanh toán phần giá trị bị chênh lệch ấy, trừ trường hợp có sự thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác về vấn đề này.

Trình tự, thủ tục công chứng hợp đồng trao đổi tài sản

Bước 1. Người yêu cầu công chứng nộp một bộ hồ sơ yêu cầu công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng.

Thành phần hồ sơ bao gồm:

- Phiếu yêu cầu công chứng hợp đồng, văn bản

- Bản sao Giấy chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu; bản sao giấy tờ chứng minh thẩm quyền của người đại diện (nếu là người đại diện);

- Bản sao bản sao Giấy chứng nhận quyền sở hữu

- Hợp đồng (trong trường hợp tự soạn thảo sẵn).

- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định phải có (nộp bản sao thì  phải xuất trình bản chính để đối chiếu.)

- Các giấy tờ cần thiết khác theo quy định của pháp luật.

Bước 2. Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ

Công chứng viên tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ yêu cầu công chứng. Trường hợp hồ sơ yêu cầu công chứng đầy đủ, phù hợp với quy định của pháp luật thì thụ lý, ghi vào sổ công chứng.

Trường hợp có căn cứ cho rằng trong hồ sơ yêu cầu công chứng có vấn đề chưa rõ, việc giao kết hợp đồng có dấu hiệu bị đe doạ, cưỡng ép, có sự nghi ngờ về năng lực hành vi dân sự của người yêu cầu công chứng hoặc có sự nghi ngờ đối tượng của hợp đồng là không có thật thì công chứng viên đề nghị người yêu cầu công chứng làm rõ hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định; trường hợp không làm rõ được thì có quyền từ chối công chứng.

Trường hợp nội dung, ý định giao kết hợp đồng là xác thực, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì công chứng viên soạn thảo hợp đồng. Trường hợp hợp đồng được soạn thảo sẵn, công chứng viên kiểm tra dự thảo hợp đồng; nếu trong dự thảo hợp đồng có điều khoản vi phạm pháp luật, trái đạo đức xã hội, đối tượng của hợp đồng không phù hợp với thực tế thì công chứng viên phải chỉ rõ cho người yêu cầu công chứng để sửa chữa.

Người yêu cầu công chứng tự đọc lại dự thảo hợp đồng hoặc công chứng viên đọc cho người yêu cầu công chứng nghe. Trường hợp người yêu cầu công chứng đồng ý toàn bộ nội dung trong dự thảo hợp đồng thì ký vào từng trang của hợp đồng.

Bước 3.Công chứng viên ghi lời chứng; ký vào từng trang của hợp đồng.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo