LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về tín chấp

2021-08-31 05:23:33
562 lượt xem

Quy định của pháp luật về tín chấp

Tín chấp là một thuật ngữ được khá nhiều người biết đến trong đời sống xã hội. Về mặt ngữ nghĩa, tín chấp được hiểu là việc sử dụng uy tín của một cá nhân, tổ chức để vay vốn hoặc đảm bảo một nghĩa vụ nào đó.

Điều 344 Bộ luật dân sự 2015 có quy định: “Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở có thể bảo đảm bằng tín chấp cho cá nhân, hộ gia đình nghèo vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng để sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo quy định của pháp luật.”

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015;

- Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Đặc điểm của Tín chấp

  • Chủ thể trong quan hệ tín chấp gồm bên bảo đảm, bên được bảo đảm và bên nhận bảo đảm

Bên bảo đảm là các Tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở : Hội Nông dân Việt Nam; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Cựu chiến binh Việt Nam; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bên được bảo đảm là các cá nhân, hộ gia đình nghèo

Bên nhận bảo đảm là các tổ chức tín dụng. Tổ chức tín dụng là doanh nghiệp thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động ngân hàng. Tổ chức tín dụng bao gồm ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân.

  • Tài sản bảo đảm  là sự tín nhiệm.
  • Hình thức của tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.
  • Nội dung trong thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm bằng tín chấp.
  • Bên bảo đảm tín chấp là các tổ chức chính trị - xã hội không có nghĩa vụ thực hiện thay cho bên được bảo đảm tín chấp ( tức bên đi vay nợ). Nghĩa vụ của họ chỉ là giám sát và đôn đốc việc trả nợ của bên đi vay.

Điều kiện vay tín chấp

Mỗi tổ chức tín dụng sẽ có điều kiện vay tín chấp riêng theo chính sách cho vay từng thời điểm. Nhưng nhìn chung sẽ cần những điều kiện sau:

  • Độ tuổi phù hợp
  • Không có nợ xấu tại bất kỳ tổ chức tín dụng nào
  • Có hộ khẩu/KT3/Giấy tạm trú tại cùng địa bàn với đơn vị cho vay đang hoạt động
  • Chứng minh thư/thẻ căn cước còn hiệu lực
  • Thu nhập ổn định đủ khả năng trả nợ

Với ngân hàng thì sẽ yêu cầu khách hàng phải có thu nhập từ lương, thời gian công tác từ 12 tháng trở lên tại nơi làm việc hiện tại.

Hồ sơ vay tín chấp gồm có những loại giấy tờ sau:

  • Bản sao chứng minh thư/hộ chiếu/thẻ căn cước
  • Bản sao hộ khẩu/KT3/Sổ tạm trú
  • Bản sao giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy chứng nhận độc thân
  • Hợp đồng lao động
  • Bảng lương 3 tháng gần nhất/sao kê lương
  • Tùy theo sản phẩm cho vay mà bạn có thể sẽ phải nộp thêm 1 trong những loại giấy tờ sau:
  • Hợp đồng bảo hiểm
  • Hóa đơn điện nước
  • Cavet/đăng ký xe...
  • Giấy phép đăng ký kinh doanh, sổ sách thu chi.

Quyền, nghĩa vụ của các bên trong tín chấp

Điều 46 Nghị định 21/2021/NĐ-CP có đề cập đến quyền và nghĩa vụ của các bên trong tín chấp như sau:

Bên bảo đảm bằng tín chấp có quyền, nghĩa vụ:

  • Chủ động hoặc phối hợp chặt chẽ với tổ chức tín dụng cho vay để giúp đỡ, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người vay; giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả; đôn đốc trả nợ đầy đủ, đúng hạn;
  • Xác nhận theo yêu cầu của tổ chức tín dụng cho vay về điều kiện, hoàn cảnh của người vay khi vay vốn;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Tổ chức tín dụng cho vay có quyền, nghĩa vụ:

  • Yêu cầu bên bảo đảm bằng tín chấp phối hợp trong việc kiểm tra sử dụng vốn vay và đôn đốc trả nợ;
  • Phối hợp với bên bảo đảm bằng tín chấp trong việc cho vay và thu hồi nợ;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Người vay có quyền, nghĩa vụ:

  • Sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh, phục vụ nhu cầu đời sống hoặc tiêu dùng phù hợp với mục đích vay;
  • Tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức tín dụng cho vay và bên bảo đảm bằng tín chấp kiểm tra việc sử dụng vốn vay;
  • Trả nợ đầy đủ gốc và lãi vay (nếu có) đúng hạn cho tổ chức tín dụng cho vay;
  • Quyền, nghĩa vụ khác theo thỏa thuận hoặc do Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan quy định.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo