LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về Hợp đồng

2021-09-08 02:43:56
1406 lượt xem

Quy định của pháp luật về hợp đồng

Theo Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015, Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

Như vậy hợp đồng được hiểu là sự thể hiện ý chí của các bên bằng việc thoả thuận với nhau về quyền và nghĩa vụ của các bên, xác định khi nào và trong điều kiện nào thì các quyền và nghĩa vụ này được xác lập, được thay đổi và chấm dứt.

Chủ thể và khách thể của hợp đồng

Các chủ thể tham gia hợp đồng có thể là cá nhân hoặc pháp nhân hoặc các loại chủ thể khác.

Khách thể của hợp đồng chính là đối tượng của hợp đồng, có thể là tài sản, hàng hoá hoặc dịch vụ.

Hình thức hợp đồng

Các bên có quyền tự do quyết định hình thức của hợp đồng. Hình thức hợp đồng có thể được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể, trừ một số trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng hình thức nhất định.

Hình thức miệng, các bên giao kết hợp đồng chỉ cần thỏa thuận miệng với nhau về nội dung cơ bản của hợp dòng hoặc mặc nhiên thực hiện những hành vi nhất định đối với nhau.

Hình thức văn bản ,các bên phải ghi đầy đủ nội dung cơ bản của hợp đồng và cùng kí tên xác nhận vào văn bản. Khi có tranh chấp, hợp đồng được giao kết bằng hình thức văn bản tạo ra chứng cứ pháp lí chắc chắn hơn so với hình thức miệng

Đối với những hợp đồng có tính chất phức tạp, dễ xảy ra tranh chấp và đối tượng của nó là những tài sản mà nhà nước cần phải quản lý, kiểm soát khi chúng được dịch chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác thì các bên phải lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.Trường hợp pháp luật yêu cầu hợp đồng phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực, phải đăng ký hoặc xin phép thì phải tuân theo các quy định của pháp luật.

Nội dung của hợp đồng

Các bên trong hợp đồng có quyền thỏa thuận về nội dung trong hợp đồng. Hợp đồng có thể có các nội dung sau đây:

- Đối tượng của hợp đồng;

- Số lượng, chất lượng;

- Giá, phương thức thanh toán;

- Thời hạn, địa điểm, phương thức thực hiện hợp đồng;

- Quyền, nghĩa vụ của các bên;

- Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;

- Phương thức giải quyết tranh chấp.

Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng

+ Hợp đồng miệng có hiệu lực tại thời điểm các bên đã trực tiếp thỏa thuận với nhau về những nội dung chủ yếu của hợp đồng.

+ Hợp đồng bằng văn bản thường có hiệu lực tại thời điểm bên sau cùng kí vào văn bản hợp đồng.

+ Hợp đồng bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký có hiệu lực tại thời điểm văn bản hợp đồng được công chứng, chứng thực, đăng ký.

+ Hợp đồng còn có thể có hiệu lực sau các thời điểm nói trên nếu các bên đã tự thỏa thuận để xác định hoặc trong trường hợp pháp luật quy định.

Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng

Hợp đồng là một trong những hình thức giao dịch dân sự. Do vậy, hợp đồng có hiệu lực khi đủ các điều kiện sau:

- Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự;

- Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội;

- Người tham gia giao dịch hoàn toàn tự nguyện

Khi hợp đồng có đủ 3 điều kiện trên thì sẽ có hiệu lực trừ một số trường hợp mà pháp luật yêu cầu hợp đồng phải tuân theo một hình thức nhất định.

Hợp đồng vô hiệu

Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật dân sự 2015 cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu.

- Hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội

- Hợp đồng vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện

- Hợp đồng vô hiệu  vô hiệu do giả tạo

- Hợp đồng vô hiệu do bị nhầm lẫn

- Hợp đồng vô hiệu do bị lừa dối, đe doạ

- Hợp đồng vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình

- Hợp đồng vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức

- Hợp đồng vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Sự vô hiệu của hợp đồng chính làm chấm dứt hợp đồng phụ, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hợp đồng phụ được thay thế hợp đồng chính. Quy định này không áp dụng đối với biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

 Sự vô hiệu của hợp đồng phụ không làm chấm dứt hợp đồng chính, trừ trường hợp các bên thỏa thuận hợp đồng phụ là một phần không thể tách rời của hợp đồng chính.

Các loại hợp đồng chủ yếu

Hợp đồng gồm các loại chủ yếu sau đây:

- Hợp đồng song vụ là hợp đồng mà mỗi bên đều có nghĩa vụ đối với nhau.

- Hợp đồng đơn vụ là hợp đồng mà chỉ một bên có nghĩa vụ.

- Hợp đồng chính là hợp đồng mà hiệu lực không phụ thuộc vào hợp đồng phụ. Hợp đồng phụ là hợp đồng mà hiệu lực phụ thuộc vào hợp đồng chính.

- Hợp đồng vì lợi ích của người thứ ba là hợp đồng mà các bên giao kết hợp đồng đều phải thực hiện nghĩa vụ và người thứ ba được hưởng lợi ích từ việc thực hiện nghĩa vụ đó.

- Hợp đồng có điều kiện là hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt một sự kiện nhất định.

Trình tự, thủ tục ký kết hợp đồng

Các bên có thể lựa chọn một trong hai cách ký kết trực tiếp hoặc ký kết gián tiếp để thiết lập quan hệ hợp đồng.

Ký kết trực tiếp là việc người đại diện có thẩm quyền của các bên trực tiếp gặp nhau bàn bạc, thoả thuận, thống nhất ý chí về xác định nội dung của hợp đồng là cùng ký tên các văn bản hợp đồng.

Ký kết gián tiếp là việc các bên thoả thuận với nhau những vấn đề về nội dung hợp đồng bằng cách gửi cho nhau dự thảo hợp đồng hoặc tài liệu giao dịch có chứa đựng nội dung cần giao dịch. Theo cách này việc ký kết hợp đồng phải theo các bước sau:

Bước 1 : Đề nghị giao kết hợp đồng

Đề nghị giao kết hợp đồng là việc thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng và chịu sự ràng buộc về đề nghị này của bên đề nghị đối với bên đã được xác định hoặc tới công chúng.

Thời điểm đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực do bên đề nghị ấn định. Nếu bên đề nghị không ấn định thì đề nghị giao kết hợp đồng có hiệu lực kể từ khi bên được đề nghị nhận được đề nghị đó, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.

Các trường hợp sau đây được coi là đã nhận được đề nghị giao kết hợp đồng:

- Đề nghị được chuyển đến nơi cư trú, nếu bên được đề nghị là cá nhân; được chuyển đến trụ sở, nếu bên được đề nghị là pháp nhân;

- Đề nghị được đưa vào hệ thống thông tin chính thức của bên được đề nghị;

- Khi bên được đề nghị biết được đề nghị giao kết hợp đồng thông qua các phương thức khác.

Bước 2: Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng

Chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng là sự trả lời của bên được đề nghị về việc chấp nhận toàn bộ nội dung của đề nghị.

Sự im lặng của bên được đề nghị không được coi là chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc theo thói quen đã được xác lập giữa các bên.

Thời hạn trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng được quy định tại Điều 394 Bộ luật dân sự 2015

Bước 3: Giao kết hợp đồng

Địa điểm giao kết hợp đồng do các bên thỏa thuận; nếu không có thỏa thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng.

Hợp đồng được giao kết vào thời điểm bên đề nghị nhận được chấp nhận giao kết.

 Trường hợp các bên có thỏa thuận im lặng là sự trả lời chấp nhận giao kết hợp đồng trong một thời hạn thì thời điểm giao kết hợp đồng là thời điểm cuối cùng của thời hạn đó.Thời điểm giao kết hợp đồng bằng lời nói là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

 Thời điểm giao kết hợp đồng bằng văn bản là thời điểm bên sau cùng ký vào văn bản hay bằng hình thức chấp nhận khác được thể hiện trên văn bản.

Trường hợp hợp đồng giao kết bằng lời nói và sau đó được xác lập bằng văn bản thì thời điểm giao kết hợp đồng được xác định là thời điểm các bên đã thỏa thuận về nội dung của hợp đồng.

Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật(Điều 401 Bộ luật dân sự 2015).

Các dạng tranh chấp hợp đồng phổ biến

- Tranh chấp phát sinh khi có sự vi phạm nghĩa vụ của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng

- Tranh chấp về chủ thể xác lập, thực hiện hợp đồng

- Tranh chấp về nội dung hợp đồng

- Tranh chấp về phụ lục hợp đồng

- Tranh chấp khi hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được

- Tranh chấp về mức bồi thường do vi phạm hợp đồng

Phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng

- Thương lượng

- Hòa giải

- Giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc Trọng tài

Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo