LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc

2021-09-06 05:36:05
1316 lượt xem

Quy định của pháp luật về thừa kế theo di chúc

Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật Dân sự năm 2015 : “Di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết”.

Người được hưởng thừa kế theo Di chúc khi người chết có Di chúc để lại và Di chúc đó hợp pháp, những người có tên trong Di chúc có đủ điều kiện nhận di sản thừa kế  theo Di chúc và họ không từ chối nhận di sản đó.

Di chúc có hiệu lực pháp luật từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người có tài sản chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết), trừ trường hợp di chúc chung của vợ, chồng có hiệu lực từ thời điểm người sau cùng chết hoặc tại thời điểm vợ, chồng cùng chết. Di chúc sẽ không có hiệu lực pháp luật nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế. Trường hợp di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực pháp luật.

Đối tượng được hưởng thừa kế theo Di chúc

Người nhận di sản thừa kế ( người được chỉ định trong di chúc) là những người có quyền nhận di sản do người chết để lại theo sự định đoạt trong di chúc. Người được thừa kế theo di chúc có thể là bất kỳ ai theo ý chí của người lập di chúc. Người nhận di sản theo di chúc thì căn cứ vào quyền thừa kế của họ, họ sẽ được hưởng phần di sản mà người đã chết để lại theo đúng những điều khoản trong di chúc.

Người thừa kế theo di chúc có thể là người trong hàng thừa kế, ngoài hàng thừa kế hoặc cơ quan, tổ chức kể cả nhà nước. Tuy nhiên, người thừa kế theo di chúc là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết.

Người được thừa kế theo di chúc không được là người làm chứng cho di chúc hoặc công chứng, chứng thực di chúc. Người thừa kế theo di chúc có quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối nhằm trốn tránh việc thực hiện nghĩa vụ tài sản của mình đối với người khác.

Những người không được hưởng di sản theo Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc

Pháp luật cũng quy định một số đối tượng Người thừa kế không phụ thuộc vào nội dung của di chúc. Theo Điều 644 Bộ luật dân sự 2015, những người sau đây vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật nếu di sản được chia theo pháp luật, trong trường hợp họ không được người lập di chúc cho hưởng di sản hoặc chỉ cho hưởng phần di sản ít hơn hai phần ba suất đó:

- Con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng;

- Con thành niên mà không có khả năng lao động.

Quy định này không được áp dụng với người từ chối nhận di sản theo quy định tại Điều 620 hoặc họ là những người không có quyền hưởng di sản theo quy định tại khoản 1 Điều 621 của Bộ luật dân sự 2015.

Phân chia di sản thừa kế theo di chúc

     Di sản thừa kế theo di chúc sẽ được chia theo ý nguyện của người để lại di chúc. Trong di chúc quy định về việc phân chia tài sản như thế nào thì những người có quyền thừa kế phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo di chúc đó.

Trường hợp di chúc xác định phân chia di sản theo hiện vật thì người thừa kế được nhận hiện vật kèm theo hoa lợi, lợi tức thu được từ hiện vật đó hoặc phải chịu phần giá trị của hiện vật bị giảm sút tính đến thời điểm phân chia di sản; nếu hiện vật bị tiêu hủy do lỗi của người khác thì người thừa kế có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại.

 Trường hợp di chúc chỉ xác định phân chia di sản theo tỷ lệ đối với tổng giá trị khối di sản thì tỷ lệ này được tính trên giá trị khối di sản đang còn vào thời điểm phân chia di sản.

      Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng.

Thủ tục khai nhận thừa kế theo Di chúc:

Tùy từng trường hợp mà công chứng văn bản thoả thuận phân chia di sản hoặc công chứng văn bản khai nhận di sản, và các giấy tờ kèm theo gồm:

- Tờ tường trình về quan hệ nhân thân

- Di chúc;

- Giấy chứng tử của người để lại di sản;

- Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản đó, nếu di sản là quyền sử dụng đất hoặc tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu;

- Giấy tờ tùy thân (CMND, hộ khẩu, khai sinh) của người tham gia phân chia, khai nhận di sản, hoặc giấy tờ chứng minh quan hệ thân nhân giữa người chết và người được nhận di sản (tùy trường hợp cụ thể).

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

 

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo