LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về cầm giữ tài sản

2021-08-31 05:31:20
776 lượt xem

Quy định của pháp luật về cầm giữ tài sản

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền (sau đây gọi là bên cầm giữ) đang nắm giữ hợp pháp tài sản là đối tượng của hợp đồng song vụ được chiếm giữ tài sản trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015;

- Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.

Đặc điểm của cầm giữ tài sản

  • Quyền cầm giữ chỉ áp dụng đối vối hợp đồng song vụ;
  • Chủ thể của cầm giữ tài sản có hai chủ thể là Bên cầm giữ, Bên bị cầm giữ.

Bên cầm giữ là bên có quyền lợi bị xâm phạm do việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đúng theo thỏa thuận của bên có nghĩa vụ gây ra;

Bên bị cầm giữ là bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng trong hợp đồng được bảo đảm bằng cầm giữ. Các bên trong quan hệ cầm giữ có thể là cá nhân, pháp nhân hoặc các chủ thể khác nhưng phải thỏa mãn các yêu cầu về năng lực chủ thể.

  • Đối tượng của cầm giữ là tài sản nằm trong nội dung của hợp đồng và vật đó đang là tài sản chiếm giữ hợp pháp của bên có quyền. Tài sản cầm giữ là đối tượng của hợp đồng song vụ để bảo đảm cho chính việc thực hiện nghĩa vụ liên quan đến tài sản bị cầm giữ đó.
  • Căn cứ xác lập quyền : Cầm giữ tài sản phát sinh từ thời điểm đến hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.
  • Cầm giữ tài sản phát sinh không dựa trên cơ sở sự thỏa thuận của các bên bảo đảm. Đây là biện pháp bảo đảm duy nhất trong số các biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ được áp dụng mà không dựa trên sự thoả thuận của các bên liên quan.

Đây là một biện pháp tự vệ trong quan hệ dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bên có quyền. Pháp luật cho phép bên có quyền cầm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ mà không cần xem xét nguyên nhân khiến cho bên có nghĩa vụ vi phạm nghĩa vụ thỏa thuận.

  • Cầm giữ tài sản không có thời hạn. Bên cầm giữ chỉ phải giao lại tài sản cầm giữ khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện xong nghĩa vụ với mình( Khoản 4 Điều 349 Bộ luật dân sự  2015).
  • Cầm giữ tài sản phát sinh hiệu lực đối kháng với người thứ ba kể từ thời điểm bên cầm giữ chiếm giữ tài sản.

Quyền và nghĩa vụ của bên cầm giữ tài sản

Bên cầm giữ có nghĩa vụ :

  • Giữ gìn, bảo quản tài sản cầm giữ;
  •  Không được thay đổi tình trạng của tài sản cầm giữ;
  • Không được chuyển giao, sử dụng tài sản cầm giữ nếu không có sự đồng ý của bên có nghĩa vụ;
  • Giao lại tài sản cầm giữ khi nghĩa vụ đã được thực hiện;
  • Bồi thường thiệt hại nếu làm mất hoặc hư hỏng tài sản cầm giữ.

Nghị định số 21/2021/NĐ-CP còn quy định, trong trường hợp tài sản thế chấp đang bị cầm giữ thì bên cầm giữ có trách nhiệm giao tài sản mà mình đang cầm giữ cho bên nhận thế chấp để xử lý theo quy định của pháp luật sau khi bên nhận thế chấp hoặc bên có nghĩa vụ đã hoàn thành nghĩa vụ đốĩ với bên cầm giữ.

Quyền của bên cầm giữ:

  • Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng song vụ;
  • Yêu cầu bên có nghĩa vụ phải thanh toán chi phí cần thiết cho việc bảo quản, giữ gìn tài sản cầm giữ;
  • Được khai thác tài sản cầm giữ để thu hoa lợi, lợi tức nếu được bên có nghĩa vụ đồng ý. Giá trị của việc khai thác tài sản cầm giữ được bù trừ vào giá trị nghĩa vụ của bên có nghĩa vụ.

Chấm dứt cầm giữ tài sản

Điều 350 BLDS 2015, cầm giữ tài sản chấm dứt khi có một trong các trường hợp sau:

  • Bên cầm giữ không còn chiếm giữ tài sản trên thực tế.

Việc này có thể do bên thứ ba chiếm giữ tài sản trái pháp luật hoặc bên cầm giữ không thực hiện quyền cầm giữ nữa. Tuy nhiên khi tài sản bị chiếm giữ trái pháp luật, bên cầm giữ có quyền truy đòi tài sản. Do vậy khi bên cầm giữ không thực hiện quyền chiếm giữ thì chiếm giữ tài sản chấm dứt.

  • Các bên thỏa thuận thay thế cầm cố bằng biện pháp bảo đảm khác.

Vấn đề này nằm trong phạm vi quyền tự định đoạt của các bên trong quan hệ hợp đồng. Các chủ thể có thể thỏa bất cứ biện pháp bảo đảm nào mà pháp luật quy định để thay thế biện pháp cầm giữ.

  • Nghĩa vụ đã được thực hiện xong.

 Khi thực hiện xong nghĩa vụ thì mục đích bảo đảm thực hiện nghĩa vụ đã đạt được. Do vậy cầm giữ tài sản chấm dứt.

  • Tài sản cầm giữ không còn.

Cầm giữ tài sản là việc bên có quyền chiếm giữ tài sản của bên có nghĩa vụ. Khi tài sản không còn thì cầm giữ đương nhiên chấm dứt.

  • Theo thỏa thuận của các bên.

Bản chất của giao kết hợp đồng dân sự là sự thỏa thuận. Tất cả các hợp đồng có hiệu lực pháp luật đều là hệ quả sự thỏa thuận cho dù sự thỏa thuận đó được thể hiện ở hình thức nào. Do đó, biện pháp cầm giữ tài sản cũng có thể chấm dứt theo thỏa thuận giữa bên có quyền và bên có nghĩa vụ.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo