LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về bảo lãnh

2021-08-31 05:05:55
568 lượt xem

Quy định của pháp luật về bảo lãnh

Bảo lãnh là việc người thứ ba (sau đây gọi là bên bảo lãnh) cam kết với bên có quyền (sau đây gọi là bên nhận bảo lãnh) sẽ thực hiện nghĩa vụ thay cho bên có nghĩa vụ (sau đây gọi là bên được bảo lãnh), nếu khi đến thời hạn thực hiện nghĩa vụ mà bên được bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

Căn cứ pháp lý:

- Bộ luật dân sự 2015;

- Nghị định 21/2021/NĐ-CP quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ

Đặc điểm của bảo lãnh:

  • Bảo lãnh là quan hệ giữa  3 bên : bên bảo lãnh, bên được bảo lãnh bên nhận bảo lãnh
  • Chủ thể trong bảo lãnh có xuất hiện thêm một chủ thể thứ ba ngoài bên có quyền và bên có nghĩa vụ, đó là bên bảo lãnh. Pháp luật không quy định cụ thể về chủ thể bảo lãnh, nhưng thực tế, chủ thể của bảo lãnh phải đảm bảo một trong các tiêu chí :

+ Có uy tín

+Có tài sản bảo đảm cho việc thực hiện nghĩa vụ

+ Hoặc vừa có uy tín vừa chứng minh được năng lựctài chính để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh khi đến hnaj mà bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ.

  • Đối tượng của bảo lãnh là các cam kết của người bảo lãnh với người nhận bảo lãnh.
  • Bảo lãnh vừa có quan hệ mật thiết với hợp đồng tín dụng, vừa có tính độc lập tương đối.
  • Bên bảo lãnh được hưởng thù lao nếu bên bảo lãnh và bên được bảo lãnh có thoả thuận

Phạm vi bảo lãnh:

Điều 336 Bộ luật dân sự 2015 quy định:

  • Bên bảo lãnh có thể cam kết bảo lãnh một phần hoặc toàn bộ nghĩa vụ cho bên được bảo lãnh.
  • Nghĩa vụ bảo lãnh bao gồm cả tiền lãi trên nợ gốc, tiền phạt, tiền bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
  • Các bên có thể thỏa thuận sử dụng biện pháp bảo đảm bằng tài sản để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh.
  • Trường hợp nghĩa vụ được bảo lãnh là nghĩa vụ phát sinh trong tương lai thì phạm vi bảo lãnh không bao gồm nghĩa vụ phát sinh sau khi người bảo lãnh chết hoặc pháp nhân bảo lãnh chấm dứt tồn tại.

Hình thức của bảo lãnh

Việc bảo lãnh phải được lập thành văn bản, có thể lập thành văn bản riêng hoặc ghi trong hợp đồng chính. Trong trường hợp pháp luật có quy định thì văn bản bảo lãnh phải được công chứng hoặc chứng thực.

Thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

     Trong trường hợp bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời hạn quy định thì bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ thay thế cho bên được bảo lãnh.

      Trường hợp nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ (quy định tại Điều 338 Bộ luật dân sự) thì họ phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập; bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người bảo lãnh liên đới phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ. Khi một người trong số những người bảo lãnh liên đới đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh thì có quyền yêu cầu những người bảo lãnh còn lại phải thực hiện phần nghĩa vụ của họ đối với mình.

Khi bên bảo lãnh đã hoàn thành nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu bên được bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ đối với mình trong phạm vi bảo lãnh, nếu không có thoả thuận khác.

     Trong trường hợp đã đến hạn thực hiện nghĩa vụ thay cho bên được bảo lãnh, mà bên bảo lãnh không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì bên bảo lãnh phải đưa tài sản thuộc sở hữu của mình để thanh toán cho bên nhận bảo lãnh.

Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh

Miễn việc thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trong ba trường hợp sau:

  • Trường hợp bên bảo lãnh phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh mà bên nhận bảo lãnh miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên bảo lãnh thì bên được bảo lãnh không phải thực hiện nghĩa vụ đối với bên nhận bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.
  • Trường hợp chỉ một trong số nhiều người cùng bảo lãnh liên đới được miễn việc thực hiện phần nghĩa vụ bảo lãnh của mình thì những người khác vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của họ.
  • Trường hợp một trong số những người nhận bảo lãnh liên đới miễn cho bên bảo lãnh không phải thực hiện phần nghĩa vụ đối với mình thì bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện phần nghĩa vụ còn lại đối với những người nhận bảo lãnh liên đới còn lại.

Chấm dứt bảo lãnh

Bảo lãnh chấm dứt trong trường hợp sau đây:

  • Nghĩa vụ được bảo lãnh chấm dứt;
  • Việc bảo lãnh được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
  • Bên bảo lãnh đã thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
  • Theo thỏa thuận của các bên.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo