LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Quy định của pháp luật về thừa kế

2021-09-06 05:29:11
1087 lượt xem

Quy định của pháp luật về thừa kế

Theo quy định tại Bộ luật Dân sự, thừa kế là việc chuyển dịch tài sản của người đã chết cho người còn sống, tài sản để lại được gọi là di sản. Thừa kế được chia thành thừa kế theo pháp luật và thừa kế theo di chúc.

Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống.

Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp.

Quy định về người để lại di sản

Người để lại di sản là cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật.

Các loại di sản thừa kế

  • Hiện vật và tiền sẵn có của người để lại di sản trước khi chết.
  • Tài sản hình thành trong tương lai, đây là loại tài sản chưa có tại thời điểm mở thừa kế, nhưng sẽ phát sinh trong quá trình sử dụng vốn, tài sản của người để lại di sản.
  • Các quyền tài sản phát sinh từ việc nhà nước giao các quyền tài sản, từ quan hệ hợp đồng và ngoài hợp đồng. Ví dụ: quyền sử dụng đất, quyền đòi nợ khi người chết cho vay khi còn sống…
  • Các quyền tài sản phát sinh sau khi người quá cố chết và do sự kiện chết đó. Ví dụ: quyền của người chết trong các hợp đồng bảo hiểm.

Quy định về người thừa kế

Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.

Thời điểm, địa điểm mở thừa kế

- Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trường hợp Tòa án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 71 của Bộ luật dân sự 2015.

- Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ di sản hoặc nơi có phần lớn di sản.

Quy định về di sản thừa kế

Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong phần tài sản chung với người khác và quyền về tài sản do người chết để lại.

Thời hiệu thừa kế

Điều 623 Bộ luật dân sự 2015 quy định thời hiệu thừa kế như sau:

“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

- Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

- Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

 Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

 Thời hiệu yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 03 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.”

     Như vậy, theo quy định trên thì thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Khi hết thời hạn trên thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó.

      Khi người được hưởng di sản thừa kế không đồng tình với thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hoặc việc công chứng thỏa thuận phân chia di sản thừa kế không thực hiện được do sự bất đồng giữa những người thừa kế, tài sản thừa kế không có giấy chứng nhận quyền sở hữu hợp pháp thì người hưởng di sản thừa kế được quyền khởi kiện lên Tòa án nhân dân có thẩm quyền yêu cầu cơ quan này phân chia di sản thừa kế.

Người không được quyền hưởng di sản

Điều 621 Bộ luật dân sự 2015 quy định những người sau đây không được quyền hưởng di sản:

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó;

- Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;

- Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng;

- Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.

 Tuy vậy, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.

Trình tự, thủ tục khai nhận di sản thừa kế, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.

Khai nhận di sản thừa kế là thủ tục nhằm xác lập quyền tài sản đối với di sản thừa kế của người thụ hưởng trong di chúc hoặc người thuộc hàng thừa kế theo quy định của pháp luật tại thời điểm phát sinh quyền thừa kế sau khi người để lại di sản chết.

Sau thời điểm mở thừa kế, đề thực hiện việc chuyển giao quyền sở hữu tài sản từ người đã chết sang người thừa kế có hai loại thủ tục đó là thủ tục khai nhận di sản hoặc thủ tục thỏa thuận phân chia di sản.

Thủ tục khai nhận di sản thừa kế được áp dụng trong trường hợp Người duy nhất được hưởng di sản theo pháp luật hoặc những người cùng được hưởng di sản theo pháp luật nhưng thỏa thuận không phân chia di sản đó có quyền yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản”( khoản 1  Điều 58 Luật Công chứng 2014).

 Thỏa thuận phân chia di sản  áp dụng trong trường hợp “Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người thì có quyền yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.

Các bước tiến hành như sau:

Bước 1. Nộp hồ sơ yêu cầu phòng công chứng thực hiện thủ tục

Người được yêu cầu là tất cả những người thừa kế theo di chúc hoặc thừa kế theo pháp luật.

Hồ sơ yêu cầu công chứng bao gồm:

- Di chúc đối với trường hợp khai nhận di sản thừa kế theo di chúc;

- Các giấy tờ chứng minh mối quan hệ nhân thân và quyền được hưởng tài sản của người tiến hành thủ tục khai nhận với người để lại di sản (ví dụ: giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…)

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu tài sản của người để lại di sản

- Giấy tờ nhân thân của người nhận di sản (chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu)

- Giấy chứng tử của người để lại di sản.

Trường hợp không có di chúc hoặc có di chúc nhưng di chúc không ghi rõ cách phân chia di sản, cung cấp thêm tờ tường trình và cam kết về quan hệ nhân thân.

Bước 2. Sau khi kiểm tra hồ sơ thấy đầy đủ, phù hợp quy định của pháp luật, phòng công chứng tiến hành niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú của người để lại di sản; trong trường hợp không có nơi thường trú, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi tạm trú có thời hạn của người đó. Nếu không xác định được cả hai nơi này, thì niêm yết tại Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi có bất động sản của người để lại di sản.

Sau 15 ngày niêm yết, không có khiếu nại, tố cáo gì thì cơ quan công chứng chứng nhận văn bản khai nhận di sản thừa kế hoặc văn bản thoả thuận phân chia di sản thừa kế.

Bước 3. Những người khai nhận di sản thừa kế đọc văn bản, khi đồng ý với nội dung thì ký vào văn bản trước mặt Công chứng viên;Công chứng viên ký công chứng Văn bản.

Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

CÔNG TY LUẬT VIETLINK

Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM

Hotline/zalo: 0914.929.086

Email: hanoi@vietlinklaw.com

Website: vietlinklaw.com

 

 

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo