Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản
Hợp đồng tặng cho tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên tặng cho giao tài sản của mình và chuyển quyền sở hữu cho bên được tặng cho mà không yêu cầu đền bù, bên được tặng cho đồng ý nhận.
Đối tượng và hình thức của hợp đồng tặng cho tài sản
Đối tượng của hợp đồng tặng cho có thể là động sản hoặc bất động sản.
Hình thức của hợp đồng tặng cho phụ thuộc vào đối tượng của nó.
Đối với tặng cho động sản:
Hợp đồng tặng cho động sản có hiệu lực kể từ thời điểm bên được tặng cho nhận tài sản, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Đối với động sản mà luật có quy định đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký.
Đối với tặng cho bất động sản:
Tặng cho bất động sản phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực hoặc phải đăng ký, nếu bất động sản phải đăng ký quyền sở hữu theo quy định của luật. Hợp đồng tặng cho bất động sản có hiệu lực kể từ thời điểm đăng ký; nếu bất động sản không phải đăng ký quyền sở hữu thì hợp đồng tặng cho có hiệu lực kể từ thời điểm chuyển giao tài sản.
Đặc điểm của hợp đồng tặng cho tài sản
- Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng không có đền bù
- Hợp đồng tặng cho tài sản là hợp đồng thực tế, có thể là hợp đồng ưng thuận
- Tặng cho tài sản là hợp đồng đơn vụ.
Tặng cho tài sản có điều kiện
Điều 462 Bộ luật dân sự 2015 quy định:
Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Quyền và nghĩa vụ của các bên
Quyền và nghĩa vụ của bên tặng cho
Bên tặng cho có nghĩa vụ thông báo về khuyết tật của tài sản tặng cho để tạo điều kiện cho bên được tặng cho sử dụng tài sản một cách tốt nhất, lường được trước những hậu quả khi sử dụng tài sản được tặng cho, tránh được những thiệt hại có thể xảy ra.
Trường hợp bên tặng cho đưa ra điều kiện trước khi giao tài sản hoặc sau khi giao tài sản thì điều kiện đó phải có thể thực hiện được và không trái với pháp luật, đạo đức xã hội. Nếu điều kiện phải thực hiện là 1 nghĩa vụ trước khi giao tài sản mà sau khi bên được tặng cho thực hiện xong điều kiện đó thì bên tặng cho phải chuyển giao tài sản tặng cho.Nếu bên tặng cho không giao tài sản thì phải bồi thường những chi phí, công sức mà bên được tặng cho đã thực hiện hoặc chi phí đã bỏ ra.
Trường hợp bên được tặng cho phải thực hiện điều kiện sau khi được tặng cho mà không thực hiện thì phải hoàn trả tài sản tặng cho mà mình đã nhận theo quy định tại Điều 462 bộ luật dân sự. Thời điểm chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này được xác định khi bên được tặng cho thực hiện xong điều kiện của hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ của bên được tặng cho
Sau khi thoả thuận xong về nội dung cơ bản của hợp đồng tặng cho, bên được tặng cho có quyền nhận hoặc không nhận tài sản tặng cho.
Nếu tài sản đăng kí quyền sở hữu thì người được tặng cho phải đăng kí tại cơ quan có thẩm quyền.
- Đối với tặng cho động sản, trước khi tặng cho, các bên dù thỏa thuận, bên được tặng cho đã đồng ý nhận nhưng sau khi lập hợp đồng, bên được tặng cho có quyền từ chối nhận vì hợp đồng chưa có giá trị pháp lí. Trong khi thực hiện hợp đồng, bên được tặng cho vẫn có quyền không nhận tài sản. Hợp đồng tặng cho chấm dứt khi bên được tặng cho nhận tài sản.
- Đối với tặng cho bất động sản mà hợp đồng đã được lập thành văn bản có chứng thực, công chứng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tài sản chưa được chuyển giao mà bên tặng cho chết thì hợp đồng chấm dứt.
Trường hợp tặng cho bất động sản phải đăng kí, hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, các bên đã thực hiện hợp đồng, bên tặng cho chuyển giao tài sản mà bên tặng cho chết và bên được tặng cho đã nhận tài sản nhưng chưa kịp làm thủ tục trước bạ sang tên. Việc đăng kí là một thủ tục để nhà nước bảo hộ quyền sở hữu cho bên được tặng cho.
- Đối với hợp đồng tặng cho có điều kiện thì bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện 1 hoặc 1 số nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi tặng cho.
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện
Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên được tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Trình tự, thủ tục tặng cho quyển sử dụng đất từ bố mẹ cho con
Bước 1: Lập hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con
Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ cho con do hai bên tự thỏa thuận , gồm một số nội dung cơ bản như:
+ Tên, địa chỉ của các bên;
+ Lý do tặng cho quyền sử dụng đất;
+ Quyền, nghĩa vụ của các bên;
+ Loại đất, hạng đất, diện tích, vị trí, số hiệu, ranh giới và tình trạng đất;
+ Thời hạn sử dụng đất còn lại của bên tặng cho
Bước 2: Nộp hồ sơ công chứng, chứng thực hợp đồng tặng cho tại Ủy ban nhân dân hoặc Văn phòng công chứng nơi có đất tặng cho
Hồ sơ công chứng gồm các giấy tờ sau:
- Phiếu yêu cầu công chứng
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
- Bản sao giấy tờ tùy thân:Chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân hoặc hộ chiếu của các bên; Sổ hộ khẩu.
- Bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất;
- Bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng tặng cho:
+ Tùy tình trạng hôn nhân của người yêu cầu công chứng thì cung cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; quyết định ly hôn; Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tài sản riêng: Di chúc, văn bản khai nhận, thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, hợp đồng tặng cho, văn bản cam kết về tài sản, văn bản thỏa thuận chia tài sản chung.
- Văn bản cam kết về đất được tặng cho là có thật
Bước 3: Thực hiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Cơ quan đăng ký đất đai nơi có đất.
Thẩm quyền cấp là Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Phòng Tài nguyên và môi trường thuộc quận, huyện, thị xã nơi có đất đề nghị sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sau khi có hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất đã được công chứng/chứng thực thì con nhận tặng cho quyền sử dụng đất từ bố mẹ có thể tiến hành thủ tục đăng ký sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đât đất.
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng kí biến động quyền sử dụng đất
- Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
- Giấy tờ khác chứng minh quan hệ nhân thân như chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, giấy chứng nhận kết hôn/ giấy xác nhận tình trạng hôn nhân.
Bước 4. Văn phòng đăng ký đất đai xem xét, giải quyết hồ sơ
Sau khi hồ sơ hợp lệ, Văn phòng đăng ký đất đai tại UBND cấp huyện sẽ chuyển hồ sơ cho cơ quan thuế để hoàn tất các nghĩa vụ về thuế.
Sau khi hoàn tất đã thực hiện việc nộp lệ phí trước bạ thuế thu nhập cá nhân thì nộp trở lại Văn phòng đăng ký đất đai để nhận bản chính sổ đỏ đã được đăng bộ sang tên.
(Cha mẹ chuyển nhượng, tặng cho nhà, đất cho con thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ nhưng vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế, lệ phí.)
Tham khảo Mẫu hợp đồng tặng cho tài sản
Hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:
================
CÔNG TY LUẬT VIETLINK
Trụ sở: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội
Chi nhánh tại TP.HCM: 602, Lầu 6, tòa nhà số 60 đường Nguyễn Văn Thủ, phường Đakao, quận 1, TP HCM
Hotline/zalo: 0914.929.086
Email: hanoi@vietlinklaw.com
Website: vietlinklaw.com