LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Thủ tục giải quyết tranh chấp về lối đi chung

2021-08-06 06:25:01
863 lượt xem

Thủ tục giải quyết tranh chấp về lối đi chung

Về nguyên tắc người sử dụng đất chỉ có quyền sử dụng đối với thửa đất của mình, tuy nhiên trong một số trường hợp người sử dụng đất vẫn có quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề, nội dung này được nêu rõ tại khoản 1 Điều 171 Luật Đất đai 2013 như sau:

“1. Quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề bao gồm quyền về lối đi; cấp, thoát nước; tưới nước, tiêu nước trong canh tác; cấp khí ga; đường dây tải điện, thông tin liên lạc và các nhu cầu cần thiết khác một cách hợp lý trên thửa đất liền kề.

2. Việc xác lập quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề thực hiện theo quy định của pháp luật dân sự và phải thực hiện đăng ký theo quy định tại Điều 95 của Luật này.”

Như vậy, quyền về lối đi chunglà quyền sử dụng hạn chế trên đất của người khác nên được thể hiện ở việc “lối đi hợp lý”.

Khoản 1 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 quy định quyền về lối đi chung như sau:

“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi chung phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.”

Như vậy, bất động sản ở phía trong (bị bao bọc) mà không có lối đi hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu người sử dụng đất ở phía ngoài dành cho mình một lối đi trên phần đất của họ.

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên.

Thủ tục giải quyết tranh chấp về lối đi chung

Tranh chấp về lối đi chung có nhiều loại, mỗi vụ việc lại có tình tiết khác nhau nhưng dạng tranh chấp phổ biến nhất là người sử dụng đất phía ngoài không đồng ý cho người sử dụng đất bị vây bọc mở lối đi chung.

Căn cứ khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

* Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

Theo khoản 2 Điều 189 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, người khởi kiện chuẩn bị 01 bộ hồ sơ khởi kiện, gồm:

- Đơn khởi kiện theo mẫu.

- Một số giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn giá trị sử dụng.

- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện (sơ đồ, bản trích đo địa chính, bản chụp thể hiện bất động sản bị vây bọc và không có lối đi chung).

* Nộp đơn khởi kiện

- Căn cứ Điều 26, 35, 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, người khởi kiện nộp đơn tại Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương nơi bị đơn cư trú, trừ trường hợp các đương sự tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn giải quyết.

- Hình thức nộp đơn:

Người khởi kiện nộp đơn bằng một trong các hình thức sau:

+ Nộp trực tiếp tại Tòa án;

+ Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;

+ Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.

* Nhận, xử lý đơn khởi kiện, thụ lý đơn

- Nhận và xử lý đơn khởi kiện

Căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định sau:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện.

+ Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn.

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án khác.

+ Trả lại đơn khởi kiện cho người khởi kiện nếu vụ việc đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

- Thụ lý đơn khởi kiện

Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Thẩm phán dự tính số tiền tạm ứng án phí, ghi vào giấy báo và giao cho người khởi kiện để họ nộp tiền tạm ứng án phí.

+ Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Thẩm phán thụ lý vụ án khi người khởi kiện nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.

+ Trường hợp người khởi kiện được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí thì Thẩm phán phải thụ lý vụ án khi nhận được đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo.

* Chuẩn bị xét xử và xét xử

- Thời hạn chuẩn bị xét xử: Thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án tranh chấp về lối đi chung là 04 tháng, vụ việc phức tạp được gia hạn không quá 02 tháng (tổng 06 tháng); nếu không thuộc trường hợp tạm đình chỉ hoặc đình chỉ vụ án thì Tòa án sẽ quyết định đưa vụ án ra xét xử (theo Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

- Trong gia đoạn này Thẩm phán thực hiện các nhiệm vụ theo quy định nhưng quan trọng nhất là hòa giải và giao nộp chứng cứ.

- Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn này là 02 tháng.

- Sau khi có bản án sơ thẩm các bên tranh chấp có quyền kháng cáo nếu có căn cứ theo quy định.

Trên đây là cách giải quyết tranh chấp về lối đi chung bằng hình thức khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục theo số điện thoại. 024.3769.0339, Hotline: 0914.929.086 hoặc hiên hệ tới Công ty Luật Vietlink theo địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo