Quy định về các biện pháp bảo vệ quyền của người bị thu hồi đất
Quy định về các biện pháp bảo vệ quyền của người bị thu hồi đất
Để thực thi các quy định của pháp luật, bảo vệ quyền của người bị thu hồi đất, Nhà nước quy định các biện pháp, phương thức để người dân bị thu hồi đất tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình cũng như sự can thiệp của cơ quan quyền lực nhà nước. Khi Nhà nước thu hồi đất dẫn tới xâm phạm đến quyền và lợi ích, người dân bị thu hồi có thể lựa chọn các biện pháp bảo vệ thích hợp trong các trường hợp nhất định.
Căn cứ pháp lý:
- Luật Đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013
- Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai
- Bộ luật hình sự 2015 ngày 27 tháng 11 năm 2015 , sửa đổi bổ sung năm 2017
- Bộ luật dân sự 2015 ngày 24 tháng 11 năm 2015
- Biện pháp hành chính
Biện pháp hành chính là phương tiện pháp lý để bảo vệ quyền con người nói chung và quyền của người bị thu hồi đất nói riêng. Đây là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các hành vi xâm phạm đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Các hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt được quy định cụ thể trong Nghị định số 102/2014/NĐ-CP ngày 10/11/2014. Kể từ năm 2020, hành vi vi phạm hành chính, mức xử phạt, thẩm quyền xử phạt, hình thức xử phạt được quy định cụ thể trong Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019.
- Biện pháp dân sự
Xử lý trách nhiệm dân sự là việc xác định những thiệt hại xảy ra đối với tính mạng sức khỏe tài sản của người bị thu hồi đất gây ra thiệt hại đó phải có nghĩa vụ bồi thường người bị thu hồi đất.
Nguyên tắc xử lý trách nhiệm dân sự đối với tổ chức, cá nhân gây gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe, tài sản của người bị thu hồi khi Nhà nước thu hồi đất được quy định như sau:
- Phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, điều tra và kết luận kịp thời để bảo vệ quyền lợi của người bị thu hồi đất.
- Hành vi vi phạm quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất phải được phát hiện và xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật
- Nguyên tắc xác định trách nhiệm cá nhân vi phạm
- Biện pháp hình sự
Biện pháp hình sự được áp dụng để xử lý hành vi xâm phạm đến quyền của người bị thu hồi đất trong trường hợp hành vi đó có đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các chế tài xử lý vi phạm pháp luật đất đai xâm phạm đến quyền của người sử dụng đất, người nông dân được quy định khá rõ ràng trong Bộ luật Hình sự; tùy vào mục đích, mức độ, hành vi, hậu quả của tội phạm mà bị xem xét ở các tội danh khác nhau.
Điều 228 Bộ luật hình sự quy định về tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai như sau:
“1. Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Phạm tội 02 lần trở lên;
c) Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Tội vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được quy định tại Điều 230 Bộ luật hình sự 2015 như sau:
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong những hành vi sau đây, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05năm:
a) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về đất, hỗ trợ và tái định cư;
b) Vi phạm quy định của pháp luật về bồi thường về tài sản, về sản xuất kinh doanh.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 12 năm:
a) Vì vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác;
b) Có tổ chức;
c) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
đ) Gây thiệt hại từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại 1.000.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Điều 229 Bộ luật hình sự 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai như sau:
“1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);
b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);
c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;
d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;
b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục theo số điện thoại. 024.3769.0339, Hotline: 0914.929.086, Email: Hanoi@vietlinklaw.com hoặc hiên hệ tới Công ty Luật Vietlink theo địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.