LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Bí mật kinh doanh được bảo hộ như thế nào?

2021-08-24 07:11:49
1264 lượt xem

Bí mật kinh doanh được bảo hộ như thế nào?

Bí mật kinh doanh (hay bí mật thương mại) là thông tin thu được từ hoạt động đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh.

Căn cứ pháp lý

- Luật Thương mại 2005;

- Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009;

Các đối tượng có thể được coi là bí mật thương mại:

- Quy trình, kỹ thuật và bí quyết kỹ thuật trong sản xuất;

- Bộ sưu tập dữ liệu, ví dụ, danh sách khách hàng;

- Kiểu dáng, hình vẽ, kế hoạch và bản đồ;

- Các thuật toán, quy trình được thực hiện trong chương trình máy tính và bản thân chương trình máy tính;

- Chiến lược kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, kế hoạch xuất khẩu, tiếp thị

- Thông tin tài chính;

- Hồ sơ cá nhân;

- Tài liệu hướng dẫn;

- Nguyên liệu;

- Thông tin về các hoạt động nghiên cứu và triển khai;

- Công thức để sản xuất sản phẩm.

Điều kiện chung đối với bí mật kinh doanh được bảo hộ

Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

• Không phải là hiểu biết thông thường và không dễ dàng có được;

• Khi được sử dụng trong kinh doanh sẽ tạo cho người nắm giữ bí mật kinh doanh lợi thế so với người không nắm giữ hoặc không sử dụng bí mật kinh doanh đó;

• Được chủ sở hữu bảo mật bằng các biện pháp cần thiết để bí mật kinh doanh đó không bị bộc lộ và không dễ dàng tiếp cận được.

Thủ tục bảo hộ bí mật kinh doanh:

Không giống với sáng chế, bí mật kinh doanh được bảo hộ mà không cần phải đăng ký, nghĩa là không cần thực hiện bất kỳ thủ tục nào. Theo đó, bí mật kinh doanh có thể được bảo hộ vô thời hạn hoặc cho đến khi thông tin vẫn còn tính bí mật.

Vì một số lý do, việc bảo hộ bí mật kinh doanh có thể là đặc biệt hấp dẫn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, có một số điều kiện đối với thông tin được coi là bí mật kinh doanh. Bản thân các thông tin bí mật không phải là giải pháp kỹ thuật nên không thể nào bảo hộ được dưới danh nghĩa sáng chế; và cũng không thể giải trình công khai để đăng ký bảo hộ do tinh bảo mật của thông tin. Việc tuân thủ các điều kiện đó có thể làm cho việc bảo hộ bí mật kinh doanh khó khăn và tốn kém hơn so với ban đầu. Do vậy, với bí mật kinh doanh, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng và định đọat theo quy định của pháp luật.

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể định đoạt bí mật kinh doanh như sau:

- Chuyển nhượng quyền sử dụng. Tức là bên nhận chuyển nhượng chỉ có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, là bí mật kinh doanh. Bên chuyển nhượng không được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp , nhưng bên chuyển nhượng vẫn là chủ sở hữu của bí mật kinh doanh.

- Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp. Tức là bên chuyển nhượng chuyển giao toàn bộ tất cả các quyền của mình về bí mật kinh doanh sang cho bên nhận chuyển nhượng. Trong đó bao gồm cả quyền sử dụng. Bên nhận chuyển nhượng sẽ là chủ sở hữu của bí mật kinh doanh.

   Việc chuyển nhượng sẽ phải thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Tiêu chuẩn đối với bí mật kinh doanh

- Thông tin phải là bí mật (nghĩa là không được biết đến một cách rộng rãi hoặc được tiếp cận một cách dễ dàng bởi những người xử lý thông tin đó một cách thông thường);

- Phải có giá trị thương mại vì nó là bí mật;

- Phải được chủ sở hữu áp dụng những biện pháp thích hợp để giữ bí mật cho thông tin đó (ví dụ, thông qua các điều khoản bảo mật trong hợp đồng sử dụng lao động, các hợp đồng cam kết giữ bí mật, …)

Các hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với bí mật kinh doanh:

- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của người kiểm soát hợp pháp bí mật kinh doanh đó;

- Bộc lộ, sử dụng thông tin thuộc bí mật kinh doanh mà không được phép của chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó.

- Vi phạm hợp đồng bảo mật hoặc lừa gạt, xui khiến, mua chuộc, ép buộc, dụ dỗ, lợi dụng lòng tin của người có nghĩa vụ bảo mật nhằm tiếp cận, thu thập hoặc làm bộc lộ bí mật kinh doanh.

- Tiếp cận, thu thập thông tin thuộc bí mật kinh doanh của người nộp đơn theo thủ tục xin cấp phép kinh doanh hoặc lưu hành sản phẩm bằng cách chống lại các biện pháp bảo mật của cơ quan có thẩm quyền.

- Sử dụng, bộc lộ bí mật kinh doanh dù đã biết hoặc có nghĩa vụ phải biết bí mật kinh doanh đó do người khác thu được có liên quan đến một trong các hành vi được Luật Sở hữu trí tuệ liệt kê.

- Không thực hiện nghĩa vụ bảo mật thông tin theo quy định của Luật SỞ hữu trí tuệ.

Phương thức bảo vệ bí mật kinh doanh

Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có thể yêu cầu bên vi phạm chấm dứt hành vi và bồi thường thiệt hại là hậu quả của hành vi vi phạm; hoặc yêu cầu cơ quan Nhà nước có biện pháp xử lý như phạt tiền; tịch thu tang vật, phương tiện, khoản lợi nhuận có được do thực hiện hành vi phạm… hay các biện pháp khác theo quy định của pháp luật về cạnh tranh và sở hữu trí tuệ.

Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) có gợi ý cho các doanh nghiệp sở hữu bí mật kinh doanh 10 chiến lược bảo hộ cơ bản; bao gồm:

– Nhận dạng bí mật kinh doanh: các doanh nghiệp nên cân nhắc khi quyết định coi một thông tin là bí mật thương mại. Khi đó, doanh nghiệp sẽ phải đánh giá các yếu tố như: phạm vi đã bộc lộ của thông tin; khả năng bảo mật thông tin; giá trị của thông tin đối với chính doanh nghiệp và các đối thủ cạnh tranh; độ khó để người khác thu thập và tiếp cận thông tin…

- Xây dựng chính sách bảo hộ: chính sách bảo hộ bí mật kinh doanh phải minh bạch, rõ ràng; phải có khả năng chứng minh được các cam kết bảo hộ có ý nghĩa quan trọng trong trường hợp phải tiến hành thủ tục tố tụng…

- Giáo dục nhân viên: phải hạn chế được việc bộc lộ thông tin do vô ý; đào tạo nội bộ nhân viên từ khi mới vào về ý thức bảo mật thông tin; thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra vi phạm…

- Hạn chế tiếp cận: chỉ nên bộc lộ bí mật kinh doanh đối với những người cần phải biết thông tin đó; và hạn chế sự tiếp cận của từng nhân viên vào cơ sở dữ liệu thông tin cần bảo mật…

- Đánh dấu tài liệu: xây dựng hệ thông đánh dấu tư liệu thống nhất và nâng cao hiểu biết của nhân viên để tránh vô ý bộc lộ thông tin.

- Cách ly và bảo bộ về mặt vật lý: có thể thực hiện các biện pháp như nộp lưu có khóa riêng biệt; kiểm soát truy cập; xé nhỏ thông tin; kiểm tra giám sát thường xuyên

- Cách ly và bảo hộ dữ liệu điện tử: như kiểm soát truy cập; mã hóa, xây dựng tường lửa; giám sát kiểm tra dữ liệu đi và đến…

- Hạn chế sự tiếp cận của công chúng với cơ sở: kiểm tra việc ra vào của khách; tiến hành theo dõi di chuyển của khách trong công ty…

- Đối với các bên thứ ba: lập hợp đồng bảo mật, hạn chế tiếp cận chỉ theo nhu cầu cần phải biết…

- Cung cấp tự nguyện: chia sẻ theo mức độ để khai thác; hạn chế tiếp cận của những đối tượng được cung cấp; thiết lập hợp đồng bảo mật…

Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

Công ty Luật Vieltink

▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

▪ Hotline: 0914.929.086

▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com

▪ Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo