LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Thủ tục đăng ký sáng chế

2021-08-05 06:53:43
670 lượt xem

Thủ tục đăng ký sáng chế

1.         Sáng chế là gì?

      Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.

            Như vậy có thể hiểu, Sáng chế là sản phẩm, quy trình công nghệ, do con người tạo ra chứ không phải là những gì (đã tồn tại trong thiên nhiên) được con người phát hiện ra.

         Thuộc tính cơ bản của sáng chế/giải pháp hữu ích là đặc tính kỹ thuật bởi vì sáng chế/giải pháp hữu ích là giải pháp kỹ thuật, tức là biện pháp kỹ thuật giải quyết một vấn đề.

2.         Sáng chế/ giải pháp hữu ích có thể được thể hiện dưới 5 dạng sau đây:

●         Cơ cấu là tập hợp các chi tiết có chức năng giống nhau hoặc khác nhau, liên kết với nhau để thực hiện một chức năng nhất định, ví dụ: dụng cụ, máy móc, thiết bị, chi tiết máy, cụm chi tiết máy, các sản phẩm khác, v.v...

●         Chất là tập hợp các phần tử có quan hệ tương hỗ với nhau, được đặc trưng bởi sự hiện diện, tỷ lệ và trạng thái của các phần tử tạo thành và có chức năng nhất định. Chất có thể là hợp chất hóa học, hỗn hợp chất, ví dụ: vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm;

●         Phương pháp là quy trình thực hiện các công đoạn hoặc hàng loạt các công đoạn xảy ra cùng một lúc hoặc liên tiếp theo thời gian, trong điều kiện kỹ thuật xác định nhờ sử dụng phương tiện xác định, ví dụ: phương pháp hoặc quy trình sản xuất, xử lý, khai thác, đo đạc, thăm dò, v.v...

●         Vật liệu sinh học là vật liệu có chứa các thông tin di truyền, có khả năng tự tái tạo hoặc được tái tạo trong hệ thống sinh học, ví dụ như tế bào, gen, cây chuyển gen;

●         Sử dụng một cơ cấu (hoặc một chất, một phương pháp, một vật liệu sinh học) đã biết theo chức năng mới là sử dụng chúng với chức năng khác với chức năng đã biết, ví dụ như sử dụng phomat làm thuốc chữa bệnh đau răng.

3. Điều kiện chung đối với sáng chế được bảo hộ

 Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

-           Có tính mới;

-           Có trình độ sáng tạo;

-           Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu không phải là hiểu biết thông thường và đáp ứng các điều kiện sau đây:

- Có tính mới;

-Có khả năng áp dụng công nghiệp.

4.         Các đối tượng sau đây không được nhà nước bảo hộvới danh nghĩa sáng chế

●         Ý đồ, nguyên lý và phát minh khoa học;

●         Phương pháp và hệ thống tổ chức và quản lý kinh tế;

●         Phương pháp và hệ thống giáo dục, giảng dạy, đào tạo;

●         Phương pháp luyện tập cho vật nuôi;

●         Hệ thống ngôn ngữ, hệ thống thông tin, phân loại, sắp xếp tư liệu;

●         Bản thiết kế và sơ đồ quy hoạch các công trình xây dựng, các đề án quy hoạch và phân vùng lãnh thổ;

●         Giải pháp chỉ đề cập đến hình dáng bên ngoài của sản phẩm, chỉ mang đặc tính thẩm mỹ mà không mang đặc tính kỹ thuật;

●         Ký hiệu quy ước, thời gian biểu, các quy tắc và các luật lệ, các dấu hiệu tượng trưng:

●         Phần mềm máy tính, thiết kế bố trí vi mạch điện tử, mô hình toán học, đồ thị tra cứu và các dạng tương tự;

●         Giống thực vật, giống động vật;

●         Phương pháp phòng bệnh, chẩn đoán bệnh và chữa bệnh cho người và động vật;

●         Quy trình mang bản chất sinh học (trừ quy trình vi sinh) để sản xuất thực vật và động vật;

●         Các đối tượng trái với lợi ích xã hội, trật tự công cộng, nguyên tắc nhân đạo.

5. Quy trình đăng ký Bảo hộ Sáng Chế

Bước 1. Tra cứu khả năng đăng ký

Quý Khách cần tra cứu khả năng bảo hộ của giải pháp kỹ thuật/ phương pháp/ vật liệu mới trước khi nộp đơn để tỉ lệ chính xác cao hơn.

Thời gian 03-04 ngày

Bước 2 . Nộp đơn đăng ký sáng chế

     Hồ sơ đăng ký sáng chế bao gồm:

•           Tờ khai đăng ký sáng chế;

•           Bản mô tả, hình vẽ, yêu cầu bảo hộ, tóm tắt của sáng chế;

Phần mô tả thuộc bản mô tả sáng chế phải bộc lộ hoàn toàn bản chất của giải pháp kỹ thuật được đăng ký. Trong phần mô tả phải có đầy đủ các thông tin đến mức căn cứ vào đó, bất kỳ người nào có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng đều có thể thực hiện được giải pháp đó; phải làm rõ tính mới, trình độ sáng tạo, khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền sáng chế); làm rõ tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp của giải pháp kỹ thuật (nếu văn bằng bảo hộ yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền giải pháp hữu ích);

- Phần mô tả phải bao gồm các nội dung sau đây:

        + Tên sáng chế: thể hiện vắn tắt đối tượng hoặc các đối tượng được đăng ký. Tên sáng chế phải ngắn gọn và không được mang tính khuếch trương hoặc quảng cáo;

        + Lĩnh vực sử dụng sáng chế: lĩnh vực trong đó đối tượng được sử dụng hoặc liên quan;

        + Tình trạng kỹ thuật của lĩnh vực sử dụng sáng chế: tình trạng kỹ thuật thuộc lĩnh vực nói trên tại thời điểm nộp đơn (các đối tượng tương tự đã biết, nếu có);

        + Bản chất kỹ thuật của sáng chế: bản chất của đối tượng, trong đó phải nêu rõ các dấu hiệu (đặc điểm) tạo nên đối tượng và phải chỉ ra các dấu hiệu (đặc điểm) mới so với các giải pháp kỹ thuật tương tự đã biết;

        + Mô tả vắn tắt các hình vẽ kèm theo (nếu có);

        + Mô tả chi tiết các phương án thực hiện sáng chế;

        + Ví dụ thực hiện sáng chế;

        + Những lợi ích (hiệu quả) có thể đạt được.

Bản tóm tắt sáng chế được dùng để mô tả một cách vắn tắt (không quá 150 từ) về bản chất của sáng chế. Trong thủ tục đăng ký sáng chế, phần tóm tắt là phần đơn giản nhất. Chủ đơn sáng chế cần nêu ra những nội dung chủ yếu về bản chất của giải pháp kỹ thuật đồng thời có thể đưa vào hình vẽ, công thức đặc trưng.

Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ được dùng để xác định phạm vi quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế. Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, phù hợp với phần mô tả và hình vẽ, trong đó phải làm rõ những dấu hiệu mới của đối tượng yêu cầu được bảo hộ và phải phù hợp với các quy định sau đây:

- Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải được phần mô tả minh họa một cách đầy đủ, bao gồm các dấu hiệu kỹ thuật cơ bản cần và đủ để xác định được đối tượng, để đạt được mục đích đề ra và để phân biệt đối tượng với đối tượng đã biết.

- Các dấu hiệu kỹ thuật trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ phải rõ ràng, chính xác và được chấp nhận trong lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.

- Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ không được viện dẫn đến phần mô tả và hình vẽ, trừ trường hợp viện dẫn đến những phần không thể mô tả chính xác bằng lời, như trình tự nucleotit và trình tự axit amin, nhiễu xạ đồ, giản đồ trạng thái v.v...

- Nếu đơn có hình vẽ minh hoạ yêu cầu bảo hộ thì dấu hiệu nêu trong phạm vi (yêu cầu) bảo hộ có thể kèm theo các số chỉ dẫn, nhưng phải đặt trong ngoặc đơn. Các số chỉ dẫn này không được coi là làm giới hạn phạm vi (yêu cầu) bảo hộ.dang ky sang che

- Phạm vi (yêu cầu) bảo hộ nên (nhưng không bắt buộc) được thể hiện thành hai phần: "Phần giới hạn" và "Phần khác biệt", trong đó: "Phần giới hạn" bao gồm tên đối tượng và những dấu hiệu của đối tượng đó trùng với các dấu hiệu của đối tượng đã biết gần nhất và được nối với "Phần khác biệt" bởi cụm từ "khác biệt ở chỗ" hoặc "đặc trưng ở chỗ" hoặc các từ tương đương; "Phần khác biệt" bao gồm các dấu hiệu khác biệt của đối tượng so với đối tượng đã biết gần nhất và các dấu hiệu này kết hợp với các dấu hiệu của "Phần giới hạn" cấu thành đối tượng yêu cầu bảo hộ. Trong thủ tục đăng ký sáng chế, phần chuẩn bị yêu cầu bảo hộ là quan trọng nhất.

•           Giấy ủy quyền (nếu đơn được nộp qua đại diện Sở hữu Trí tuệ);

•           Chứng từ nộp lệ phí.

Bước 03. Thẩm định hình thức đơn

Thời gian 01 tháng, Cục Sở hữu trí tuệ xem xét tính hợp lệ của hồ sơ.

Bước 04. Công bố đơn

Thời gian 19 tháng: Đơn đăng ký bảo hộ  được công báo trên công báo của Cục Sở hữu trí tuệ

Bước 05. Thẩm định nội dung đơn

Thời gian 16 – 18 tháng: Cục Sở hữu trí tuệ đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng nêu trong đơn. Xác định phạm vi bảo hộ tương ứng

Bước 06. Thông báo cấp văn bằng

Thời gian 01 tháng, trường hợp sáng chế đủ điều kiện bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp Giấy chứng nhận đăng ký sáng chế.

6.Thời hạn bằng sáng chế

Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 quy định hiệu lực của văn bằng bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp, trong đó quy định hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với sáng chế cụ thể như sau:

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực 20 mươi năm kể từ ngày nộp đơn, khi hết thời hạn này bạn không còn được độc quyền sử dụng sáng chế nữa. Như vậy, để được tiếp tục bảo hộ độc quyền sáng chế, khi hết thời hạn bảo hộ là 20 năm đối với sáng chế, bạn cần tiến hành thủ tục duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ như sau:

Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sáng chế thực hiện duy trì Bằng độc quyền sáng chế trong vòng sáu tháng tính đến ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực. Thủ tục duy trì hiệu lực có thể được thực hiện muộn hơn thời hạn trên, nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày kết thúc kỳ hạn hiệu lực trước và chủ văn bằng bảo hộ phải nộp thêm 10% lệ phí duy trì hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.

Thủ tục duy trì văn bằng bảo hộ sáng chế:

Chủ sở hữu văn bằng bảo hộ sáng chế chuẩn bị hồ sơ mang nộp tại Cục Sở hữu trí tuệ. Hồ sơ cần bao gồm:

•           Tờ khai theo Mẫu 02-GH/DTVB tại Phụ lục C của Thông tu 01/2007/TT-BKHCN.

•           Giấy ủy quyền hợp lệ (trường hợp yêu cầu nộp thông qua đại diện).

•           Bản sao nộp phí, lệ phí theo quy định: phí thẩm định yêu cầu duy trì hiệu lực, lệ phí duy trì hiệu lực và phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ

•           Tài liệu khác (nếu cần).

Cục Sở hữu trí tuệ xem xét yêu cầu duy trì hiệu lực trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu và các khoản phí, lệ phí của người yêu cầu

– Trường hợp hồ sơ hợp lệ

Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sáng chế, ra thông báo về việc duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

– Trường hợp có thiếu sót hoặc không hợp lệ

Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối.

Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối duy trì hiệu lực văn bằng bảo hộ.

Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ thủ tục theo số điện thoại. 024.3769.0339, Hotline: 0914.929.086 hoặc hiên hệ tới Công ty Luật Vietlink theo địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội.

 

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo