LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Thủ tục Đăng ký bảo hộ giống cây trồng

2021-08-24 07:17:30
994 lượt xem

Thủ tục Đăng ký bảo hộ giống cây trồng

Giống cây trồng là quần thể cây trồng thuộc cùng một cấp phân loại thực vật thấp nhất, đồng nhất về hình thái, ổn định qua các chu kỳ nhân giống, có thể nhận biết được bằng sự biểu hiện các tính trạng do kiểu gen hoặc sự phối hợp của các kiểu gen quy định và phân biệt được với bất kỳ quần thể cây trồng nào khác bằng sự biểu hiện của ít nhất một tính trạng có khả năng di truyền được.

Căn cứ pháp lý:

- Luật sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009;

- Luật sở hữu trí tuệ năm 2019;

- Nghị định 88/2010/NĐ-CP Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền đối với giống cây trồng;

-  Thông tư 16/2013/TT-BNNPTNT hướng dẫn về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.

Điều kiện chung bảo hộ giống cây trồng:

Điều 158 Luật sở hữu trí tuệ năm 2019 quy định về điều kiện chung của giống cây trồng được bảo hộ như sau:

- Giống cây trồng được bảo hộ là giống cây trồng được chọn tạo hoặc phát hiện và phát triển

- Thuộc Danh mục loài cây trồng được Nhà nước bảo hộ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành,

- Có tính mới, tính khác biệt, tính đồng nhất, tính ổn định và có tên phù hợp.

Theo đó, Giống cây trồng được coi là có tính mới nếu vật liệu nhân giống hoặc sản phẩm thu hoạch của giống cây trồng đó chưa được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 164 của Luật này hoặc người được phép của người đó bán hoặc phân phối bằng cách khác nhằm mục đích khai thác giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký một năm hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký sáu năm đối với giống cây trồng thuộc loài thân gỗ và cây nho, bốn năm đối với giống cây trồng khác.

Giống cây trồng được coi là có tính khác biệt nếu có khả năng phân biệt rõ ràng với các giống cây trồng khác được biết đến rộng rãi tại thời điểm nộp đơn hoặc ngày ưu tiên nếu đơn được hưởng quyền ưu tiên.

Giống cây trồng được coi là có tính đồng nhất nếu có sự biểu hiện như nhau về các tính trạng liên quan, trừ những sai lệch trong phạm vi cho phép đối với một số tính trạng cụ thể trong quá trình nhân giống.

Giống cây trồng được coi là có tính ổn định nếu các tính trạng liên quan của giống cây trồng đó vẫn giữ được các biểu hiện như mô tả ban đầu, không bị thay đổi sau mỗi vụ nhân giống hoặc sau mỗi chu kỳ nhân giống trong trường hợp nhân giống theo chu kỳ.

Thẩm quyền quyết định hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với cây trồng:

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp bằng bảo hộ giống cây trồng mới.

- Cơ quan bảo hộ (Cục Trồng trọt) tiếp nhận.

Trình tự, Thủ tục đăng ký bảo hộ giống cây trồng

Bước 1: Chủ thể tiến hành đăng ký nộp 01 bộ hồ sơ nêu trên tới Cục Trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Thành phân hồ sơ đăng ký bảo hộ đối với giống cây trồng  bao gồm:

- Tờ khai đăng ký theo mẫu

- Ảnh chụp và tờ khai kỹ thuật theo mẫu

- Các giấy tờ chứng minh quyền ưu tiên, quyền đăng ký

- Giấy ủy quyền (nếu đại diện thực hiện thủ tục)

- Chứng từ nộp phí và lệ phí

Bước 2: Cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành thẩm định hình thức

Thẩm định về hình thức được hiểu là việc xem xét, kiểm tra các tài liệu kèm theo đơn và tính hợp lệ của đơn theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và văn bản hướng dẫn. Nếu đơn không phù hợp, tùy vào từng trường hợp đơn yêu cầu sẽ bị từ chối hoặc sửa đổi, bổ sung.

Thời hạn thẩm định hình thức đơn: 15 ngày kể từ ngày nhận đơn;

Bước 3: Công bố đơn

Trường hợp đơn được chấp nhận hợp lệ ,Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới công bố đơn hợp lệ trên tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày đơn được chấp nhận.

Nội dung công bố đơn gồm số đơn, ngày nộp đơn, đại diện (nếu có), người đăng ký, chủ sở hữu, tên giống cây trồng, tên loài cây trồng, ngày đơn được chấp nhận là đơn hợp lệ.

Bước 4: Cơ quan tiếp nhận sẽ tiến hành thẩm định nội dung

- Thẩm định về nội dung: Văn phòng Bảo hộ giống cây trồng mới thẩm định nội dung đơn đăng ký bảo hộ (gồm thẩm định tính mới; tên giống cây trồng; khảo nghiệm và thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật đối với giống cây trồng);

Nếu đơn đáp ứng các yêu cầu thẩm định về hình thức thì đơn yêu cầu sẽ được thẩm định về mặt nội dung. Thẩm định về mặt nội dung là quá trình cơ quan nhà nước có thẩm xem xét giống cây trồng được đăng ký có đáp ứng được các điều kiện bảo hộ theo quy định của pháp luật hay không.

Thời hạn thẩm định kết quả khảo nghiệm kỹ thuật là 90 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả khảo nghiệm kỹ thuật.

Bước 5: Cấp văn bằng hoặc từ chối cấp văn bằng

Nếu giống cây trồng đáp ứng điều kiện bảo hộ thì cơ quan bảo hộ giống cây trồng trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp phát triển nông thôn ký quyết định cấp văn bằng bảo hộ giống cây trồng và công bố tạp chí chuyên ngành về giống cây trồng.

  Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

Công ty Luật Vieltink

▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

▪ Hotline: 0914.929.086

▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com

▪ Website: vietlinklaw.com

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo