LUẬT SƯ TƯ VẤN VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP

Các vấn đề về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

2021-08-23 05:51:26
722 lượt xem

Các vấn đề về giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Sở hữu trí tuệ được coi là tài sản vô hình của doanh nghiệp, đóng góp vào sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp và được rất nhiều người quan tâm. Vì vậy, các tranh chấp về sở hữu trí tuệ xảy ra khá phổ biến. Đây là loại tranh chấp đặc thù xuất phát từ tính chất vô hình của các đối tượng sở hữu trí tuệ.

Trên thực tế, pháp luật về sở hữu trí tuệ còn mới mẻ và chưa được phổ biến, kiến thức về lĩnh vực này đối với người dân còn hạn hẹp. Vì vậy việc giải quyết tranh chấp sở hữu trí tuệ gặp rất nhiều khó khăn. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp cho bạn một số kiến thức về vấn đề này như các biện pháp giải quyết tranh chấp SHTT hay cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết,…

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019;
  • Bộ luật Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
  • Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

Quyền sở hữu trí tuệ theo khoản 1 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019 được định nghĩa như sau:

Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyến tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng”.

Như vậy, tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ là sự mâu thuẫn trong quyền, lợi ích của các chủ thể liên quan đến quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng.

Chủ sở hữu nhãn hiệu có thể khởi kiện hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu ra Tòa án hoặc Trọng tài thương mại nếu hai bên có thỏa thuận trọng tài ( Điểm d, Khoản 1, Điều 198 Luật  SHTT 2005).

Phân loại Tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

  • Tranh chấp quyền tác giả,  quyền liên quan.
  • Tranh chấp quyền sở hữu công nghiệp.
  • Tranh chấp quyền đối với giống cây trồng.

Không phải tất cả tranh chấp sở hữu trí tuệ đều là tranh chấp dân sự mà trong trường hợp cả hai bên đều có mục đích lợi nhuận thì đây là tranh chấp về kinh doanh thương mại. Phần lớn các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ hiện nay được giải quyết theo thủ tục tố tụng tại Tòa án.

Về chủ thể quyền sở hữu trí tuệ

  • Tranh chấp giữa tác giả và chủ sở hữu đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;
  • Tranh chấp giữa chủ thể quyền sở hữu trí tuệ và người thứ 3 xâm phạm quyền;
  • Tranh chấp giữa các bên trong hợp đồng chuyển giao quyền

Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ:

• Áp dụng biện pháp công nghệ nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

• Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;

• Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan;

• Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ

  •  Áp  dụng biện pháp dân sự, hình sự sẽ thuộc thẩm quyền của Toà án. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án có thể áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo quy định của pháp luật. Quyền khởi kiện tại tòa án là một trong các quyền tự bảo vệ đã được quy định tại Điều 198 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005.
  • Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ thường được giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp quận/ huyện/ thị xã/ thành phố trực thuộc trung ương.
  • Trường hợp tranh chấp có yếu tố nước ngoài như: một trong các bên là người/ tổ chức nước ngoài, tài sản ở nước ngoài, ủy thác tư pháp cho cơ quan địa diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, cho Tòa án nước ngoài thì lúc này vụ tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án nhân dân cấp tỉnh.-
  •  Đối với tranh chấp về kinh doanh thương mại thì giải quyết tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc thỏa thuận giải quyết theo thủ tục trọng tài thương mại.
  • Sau khi đã xác định được thẩm quyền của Tòa án theo cấp xét xử thì tiếp theo cần xác định thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ. Việc xác định cụ thể thẩm quyền của Tòa án giải quyết tranh chấp cần dựa theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Cụ thể:

+ Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm.

+ Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức.

  •  Áp dụng biện pháp hành chính thuộc thẩm quyền của các cơ quan Thanh tra, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Uỷ ban nhân dân các cấp.

Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan này có thể áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc giải quyết tranh chấp

       Việc giải quyết tranh chấp về sở hữu trí tuệ cũng theo những nguyên tắc của gỉải quyết tranh chấp dân sự.

  • Thương lượng, tự dàn xếp giữa các bên tranh chấp tại nơi phát sinh tranh chấp.
  • Hoà giải trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của nhà nước, của các bên, tôn trọng lợi ích chung của xã hội về sở hữu công nghiệp, tuân theo quy định về sở hữu công nghiệp và pháp luật dân sự. Đảm bảo công khai, khách quan, kịp thời, đúng pháp luật, có thể có sự tham gia của cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp.
  • Trường hợp không tự thương lượng, hoà giải được và một bên có đơn yêu cầu giải quyết, hoặc một bên từ chối thương lượng, hoà giải thì việc giải quyết tranh chấp về sở hữu công nghiệp được tiến hành tại Toà án.

Thủ tục khởi kiện

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ khởi kiện

  • Người khởi kiện chuẩn bị đơn khởi kiện, nội dung đơn khởi kiện phải có các nội dung quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự
  • Tài liệu kèm theo đơn khởi kiện (chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp).

Theo quy định tại Điều 203 Luật Sở hữu trí tuệ thì: “Nguyên đơn và bị đơn trong vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có quyền và nghĩa vụ chứng minh theo quy định tại Điều 79 của BLTTDS và theo quy định tại Điều này”

Bước 2: Nộp hồ sơ khởi kiện tại Tòa án

Bước 3: Tòa án xem xét, thụ lý giải quyết

Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Tòa án phải xem xét và có một trong các quyết định sau đây:

  • Tiến hành thụ lý vụ án nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của mình;
  • Trường hợp không thuộc thẩm quyền của Tòa án thì phải chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và báo cho người khởi kiện biết.

Thời hạn chuẩn bị xét xử các vụ án được quy định như sau: 

  • 04 tháng kể từ ngày thụ lý vụ án. Đối với vụ án phức tạp hoặc có trở ngại khách quan thì Chánh án Tòa án có thể quyết định gia hạn thời hạn chuẩn bị xét xử một lần nhưng không quá 02 tháng.
  • Trường hợp có quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án thì thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại kể từ ngày quyết định tiếp tục giải quyết vụ án của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, thẩm phán được phân công giải quyết vụ án phải tiến hành lấy lời khai của đương sự, tiến hành các phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ hoặc định giá, ủy thác thu thập chứng cứ (nếu có).

Bước 4: Tòa án đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm:

Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày có quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa; trường hợp có lý do chính đáng thì thời hạn mở phiên tòa có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Quý khách hãy liên hệ ngay cho chúng tôi để được tư vấn:

================

Công ty Luật Vieltink

▪ Địa chỉ: P203 tòa nhà Giảng Võ Lake View, D10 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội

▪ Hotline: 0914.929.086

▪ Email: hanoi@vietlinklaw.com

▪ Website: vietlinklaw.com

 

 

Bạn hỏi luật sư trả lời miễn phí?
Số điện thoại
Chat Zalo